top of page

Hồ Nước

Sắp đặt đa phương tiện tại Bảo tàng Sinh học

(Đại học Tổng hợp Hà Nội) với tranh gương,

và âm thanh bởi Nhung Nguyen.

 

2020 - 2021

Ghi chép cá nhân:

Việt Nam là một nước nông nghiệp. Với việc trồng trọt cày cấy phụ thuộc vào  thời tiết và các yếu tố tự nhiên, cùng với niềm tin ‘vạn vật hữu linh’ và sự hoà trộn tư tưởng Phật giáo với tín ngưỡng dân gian, người Việt từ lâu đã tôn thờ và thần thánh hoá tự nhiên. Tuy nhiên, ngày nay, sau những nghi lễ tâm linh, nhiều người lại đem vứt bỏ bàn thờ, bát hương, tro hoá vàng, tượng gốm, v.v.... tại chính những không gian tự nhiên ấy. Thay vì đem tới những nơi tập kết hoặc tìm ra một phương thức phù hợp dài hạn, họ quan niệm thả trôi những vật dụng thờ cúng trên sông, hồ sẽ tránh mang tội thất lễ với thần linh. Vì thế, hồ nước, sông, suối,.. trở thành nơi tập kết rác thải, trong đó có rác thải từ những sinh hoạt tâm linh.

Cùng với tình trạng “bốc hơi” của những không gian mặt nước trong thành phố Hà Nội – hệ quả của việc san lấp qua quá trình đô thị hoá, ‘rác thải tâm linh’ và gốc rễ là sự đối lập trong niềm tin và hành vi của con người hiện đại đang là một trong những mối đe doạ tới những ao hồ còn sót lại trong thành phố nói riêng và tới môi trường sống nói chung. Sự mâu thuẫn, trái nghịch giữa những tập tục truyền thống, thói quen tín ngưỡng  với những hành vi và quan niệm trong cuộc sống hiện đại của người Việt với liên hệ tới vấn đề môi trường là điểm khởi đầu cho tác phẩm ‘Hồ nước’ của tôi.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ký ức tuổi thơ của tôi gắn liền với những lần dạo chơi quanh những hồ nước trong thành phố cùng bố mẹ. Trước mặt ngôi nhà nơi gia đình tôi sống trước đây cũng từng có 2 hồ nước – một là hồ Hoàng Cầu và hai là hồ Đống Đa. Dù từng có một thời kỳ, hồ Hoàng Cầu bị chiếm dụng thành nơi ngâm, rửa xương trâu, bò của những hộ làm đồ thủ công (hộp trang sức, túi xách,…) gây ô nhiễm và bốc mùi khó chịu thì với tôi, không gian mặt nước trước nhà vẫn luôn đem tới sự tĩnh tại khó quên. Tới năm 2010, thành phố cho lấp hồ Hoàng Cầu thành bãi trông xe trong một thời gian dài và cuối cùng, những toà nhà cao tầng được xây dựng trên khu vực đó. Hồ Đống Đa bên cạnh vẫn giữ nguyên và được kè, chắn tương đối cẩn thận. Tuy nhiên, ngoài việc bị chiếm dụng và chất lượng đường quanh hồ giảm sút đáng kể, tôi cũng nhiều lần chứng kiến việc hồ trở thành nơi xử lý rác thải thường nhật cũng như rác thải tâm linh. Tôi tự hỏi, mọi người cúng bái, cầu xin một cuộc sống sung túc, một tương lai giàu có nhưng lại dùng chính những vật phẩm dâng cúng đó vô hình chung phá huỷ tương lai của môi trường sống quanh mình.. Làm sao để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này? Đâu là khoảng-giữa để chúng ta chất vấn và nhìn nhận, tìm được điểm thỏa hiệp giữa hai mặt của vấn đề?


Tác phẩm của tôi là một sắp đặt biệt vị đa phương tiện tại sảnh chính của bảo tàng sinh học, nơi tập trung những chi tiết trang trí nội thất mang ảnh hưởng từ Phật giáo, trên mặt sàn mosaic với hoạ tiết trung tâm là một bông hoa sen cách điệu. Những tấm gương mô tả mặt ao, hồ với những biểu tượng trong văn hoá dân gian và đạo Phật được tạo hình bằng cách phá huỷ, được xử lý khiến phần gương phản chiếu biến mất, chỉ còn lại phần kính xuyên thấu. Tôi muốn diễn tả khoảng-giữa đối lập, giữa sự lấp lánh, tráng lệ, lộng lẫy, và sự biến mất của những yếu tố tinh thần, giữa sự thanh bình, yên ả của phần âm thanh với sự rung nhoè tàn dư của quá trình tôi đã phá huỷ/tạo hình với bề mặt gương. Người xem bị thách thức, giằng xé giữa những thái cực trái ngược và đặt mình vào những chất vấn trong “khoảng-giữa” vô hình đó.

DSC_0463.jpg
 Trích đoạn phim ngắn về quá trình thực hiện Hồ Nước.  
Dựng phim bởi Trịnh Quang Linh. 
Ghi chép của giám tuyển Đỗ Tường Linh:

“Nước và không gian nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng với thủ đô Hà Nội, không chỉ về khía cạnh vật chất mà cả tinh thần. Lấy cảm hứng từ ý nghĩa của nước dưới hình thái ao và hồ trong đời sống tâm linh và văn hóa của người Việt, Chi L. Nguyễn đã kết hợp cùng nghệ sĩ âm thanh Nguyễn Nhung để tạo nên tác phẩm “Hồ”. Mạng lưới mặt nước đặc trưng của Hà Nội không chỉ là những không gian tự nhiên tạo cảnh quan giữa bê tông cốt thép, mà trên hết, chúng đóng vai trò quan trọng về địa lý, môi trường, kinh tế, lịch sử và văn hoá. Tuy nhiên, những hồ và ao này đang nhanh chóng biến mất hoặc xuống cấp do nhiều nguyên nhân bao gồm rác thải, đô thị hóa và tư nhân hóa không gian công cộng. Nghịch lý thay, trong quá trình nghiên cứu, Chi phát hiện ra rằng phần lớn “rác thải tâm linh” từ các nghi lễ hàng ngày ở thành phố, bao gồm bát hương, bàn thờ cũ, tro hóa vàng đã góp phần gây ô nhiễm nhiều hồ ở Hà Nội.
 
Mối quan tâm từ lâu của cô đối với những câu chuyện và tri thức dân gian, cũng như cách mà truyền thống đôi khi dạy chúng ta về cách sống hòa hợp với thiên nhiên hơn là khoa học hiện đại, đã đưa cô tới việc khám phá kỹ thuật làm tranh gương từ một nghệ nhân lâu đời cũng như sự diễn giải lại các biểu tượng Phật giáo. Phần âm thanh do Nguyễn Nhung sáng tạo mang đến một không gian thiền định bao phủ lên những phản chiếu của bản thân người xem trong gương. Sự mong manh của chiếc gương cũng như kỹ thuật tạo hình ảnh bằng cách xóa một phần gương bằng chất liệu acid, cùng với âm thanh là một sự gợi nhớ đầy chất thơ về sự xuất hiện và biến mất của ao hồ Hà Nội cũng như sự tồn tại vô thường của con người chúng ta trên Trái Đất.

​* Ảnh chụp bởi Nguyễn Đình Hưng, Trịnh Quang Linh & Di sản Trung hưng. 

bottom of page